Friday, August 10, 2012

Bản Lên Tiếng yêu cầu chính quyền điều tra cái chết của bà Liêng

Khánh An, phóng viên RFA
Phần âm thanh
Hôm qua (8/8), một nhóm các nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước đã gửi một Bản Lên Tiếng lên các chính phủ, cơ quan ngoại giao và tổ chức nhân quyền trên thế giới.


(Hình bên:
Đám tang bà Đặng Thị Kim Liêng. Photo courtesy of worldpress)
*
Bản Lên Tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam điều tra về cái chết có nhiều uẩn khúc của bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần – người đang bị giam giữ chờ ngày ra tòa.
Cái chết nhiều uẩn khúc
Bản Lên Tiếng với 24 chữ ký đầu tiên của các nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng trong và ngoài nước yêu cầu chính quyền Việt Nam 3 điều: Điều tra và trả lời trước công luận về vụ tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng; Trả tự do cho ba bloggers là Tạ Phong Tần, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải; Tôn trọng các giá trị phổ quát về nhân quyền và dân chủ.
Trong Bản Lên Tiếng, các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền đưa ra những sự việc gây nhiều bức xúc trong dư luận xung quanh cái chết và đám tang của bà Liêng như việc hai người con không được phép đem xác của mẹ về nhà ngay sau khi xảy ra vụ việc, bị nhốt trong xe cứu thương trong thời gian xác bà Liêng được chuyển vào bệnh viện và bị ép buộc phải ký bản cam kết với nội dung “Bà Liêng tự nhiên thiêu và gia đình sẽ không khiếu nại”.
Linh mục Đinh Hữu Thoại của Dòng Chúa Cứu Thế, một trong những người có mặt sớm nhất tại gia đình bà Liêng sau khi xảy ra vụ tự thiêu, cho biết:
Mình thấy rõ ràng là cái chết của bà còn nhiều uẩn khúc. Qua cái cách mà công an can thiệp vào đám tang như vậy thì người ta có quyền đặt nghi vấn là công an có một vai trò gì trong cái chết của bà Liêng. Cái chết của bà cũng liên quan đến việc chính quyền giam giữ cô Tạ Phong Tần.
Bản Lên Tiếng ban đầu gồm 24 chữ ký, trong đó có 20 chữ ký của những nhà hoạt động dân chủ trong nước như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, kỹ sư Đỗ Nam Hải, chị Dương Thị Tân, nhà văn Hoàng Tiến, linh mục Phan Văn Lợi, thượng tọa Thích Thiện Minh, luật sư Nguyễn Văn Đài v.v…; cùng với 4 người khác của hải ngoại là nhà báo tự do Nguyễn Minh Cần ở Nga, chị Lư Thị Thu Duyên, giáo sư Nguyễn Chính Kết và bác sĩ Nguyễn Quốc Quân từ Hoa Kỳ.
Giải thích về lý do tham gia ký tên vào Bản Lên Tiếng, chị Dương Thị Tân, vợ của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cho biết:
Thực sự đến bây giờ, cái chết của bà vẫn là câu hỏi rất lớn. Kể cả người thân cho đến chúng tôi là một trong những người đầu tiên tiếp cận với gia đình cũng không biết là bà chết như thế nào. Một câu hỏi rất lớn. Cho nên khi Bản Lên Tiếng yêu cầu làm sáng tỏ về cái chết này thì tôi nghĩ đây là việc làm đúng.
Chị Dương Thị Tân cho biết khi xác bà Liêng được đưa về gia đình thì toàn bộ cơ thể bà đã được bọc kín, chỉ trừ khuôn mặt. Trong lúc tang gia còn bối rối, chưa biết làm thế nào thì áo quan và các vật dụng cần thiết đã được chở đến gia đình bà. Chính việc xử lý rất nhanh các thủ tục xung quanh việc an táng bà Liêng cũng là một lý do góp phần khiến dư luận thêm nghi ngờ và đặt câu hỏi về cái chết của bà.
Ngay sau khi báo chí quốc tế đưa tin về vụ tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam là ông Lương Thanh Nghị cho biết hiện các cơ quan chức năng đang điều tra về vụ việc này. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về lời tuyên bố trên. Chị Dương Thị Tân nói:
Qua cái cách mà công an can thiệp vào đám tang như vậy thì người ta có quyền đặt nghi vấn là công an có một vai trò gì trong cái chết của bà Liêng.
Linh mục Đinh Hữu Thoại
Trước đây với kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy những người đại diện cho chính quyền cấp dưới, cấp cơ sở, chưa bao giờ họ làm đúng những gì họ hứa. Còn bây giờ là cấp ngoại giao của một chính phủ thì chúng tôi cũng chờ xem là họ như thế nào. Còn bây giờ thực sự đặt niềm tin vào họ thì những người như chúng tôi không tin đâu vì chúng tôi đã là một trong những nạn nhân của những lời hứa đó.
Những người đấu tranh dân chủ cho biết mặc dù không mấy tin tưởng vào việc chính quyền Việt Nam sẽ thực hiện theo các yêu cầu của Bản Lên Tiếng, nhưng hầu hết đều cho rằng việc đưa ra Bản Lên Tiếng là một việc làm cần thiết. Linh mục Đinh Hữu Thoại nói:
Về hiệu quả thì mình cũng không nói trước được gì, nhưng bao nhiêu chuyện mình làm từ trước tới giờ thì mình chỉ thấy được hiệu quả duy nhất là làm cho người dân ý thức được quyền của mình, những quyền mình có và mình phải sử dụng, và giúp cho họ vượt qua nỗi sợ. Hiệu quả trước mắt là cái đó. Còn việc nhà cầm quyền có lắng nghe tiếng của người dây hay không thì tôi thấy từ trước tới nay chưa có tiền lệ đó.
Lên tiếng cho các blogger trong tù
blogger120504-250.jpg(Hình bên: Bloggers là Tạ Phong Tần, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải.)
*
Theo mục sư Nguyễn Hồng Quang của Giáo hội Tin Lành Mennonite tại Việt Nam, cũng là một trong những người đã ký tên, ngoài hiệu quả thông tin, Bản Lên Tiếng còn có thể có tác dụng ngăn ngừa, giảm thiểu những vụ việc đáng tiếc khác trong tương lai. Ông nói:Nó chưa giải quyết liền nhưng ít ra cũng giảm thiểu việc bắt bớ những người mới. Nói chung, chúng tôi là những người tù, chúng tôi rất đau xót. Bà Liêng là mẹ của cô Tạ Phong Tần, cũng là người dân oan, cũng nỗi đau của người mẹ. Trong gia đình tôi nhiều người đi ở tù cho nên chúng tôi hiểu thân nhân của những tù nhân họ cũng đau khổ không kém gì người ở trong tù.
Đồng suy nghĩ với mục sư Nguyễn Hồng Quang, linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết việc yêu cầu điều tra về cái chết của bà Đặng Thị Kim Liêng chỉ là mục tiêu phụ, bên cạnh mục tiêu quan trọng hơn là kêu gọi chính quyền trả tự do cho những tù nhân vô tội.
Cái quan trọng là yêu cầu thả những người vô tội bị bắt giam bởi vì chính việc bắt giam người vô tội đã gây ra sự uất ức cho những người thân của họ. Biết đâu sau bà Liêng sẽ là những người khác nếu họ có người thân bị bắt giam một cách oan ức.
Trong gia đình tôi nhiều người đi ở tù cho nên chúng tôi hiểu thân nhân của những tù nhân họ cũng đau khổ không kém gì người ở trong tù.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang
Hiện Bản Lên Tiếng đã được đăng tải trên các trang mạng xã hội, kêu gọi người dân tham gia ký tên qua emailthatuluongtam@gmail.com. Chị Lư Thị Thu Trang, một người đã ký tên, cho biết Bản Lên Tiếng ra đời đúng như nguyện vọng của chị và nhiều người khác :
May mắn là các chú, các bác, các anh chị trong phong trào dân chủ ở Việt Nam khởi xướng lên vấn đề này, chứ nếu không thì chính cá nhân em hoặc những người có mặt ngày hôm đó cũng sẽ làm chuyện này. Cho nên việc ký tên và lên tiếng là việc cần thiết phải làm vì gia đình và bản thân em cũng đang là nạn nhân của chế độ này. Hoàn cảnh của chị Tạ Phong Tần và dì Liêng đang chịu đựng, phải bỏ mạng vì con trong hoàn cảnh đau thương như vậy, thì nó cũng đang nhắm vào gia đình em và các anh chị em dân chủ trong nước, chứ không chỉ riêng chị Tạ Phong Tần đâu.
Sau cái chết của bà Đặng Thị Kim Liêng, phiên tòa xét xử ba blogger, trong đó có chị Tạ Phong Tần, dự tính sẽ diễn ra vào ngày 7/8 đã bị dời lại vô thời hạn. Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ra thông cáo báo chí và bày tỏ quan ngại về tiến trình xét xử không bảo đảm nguyên tắc công bằng nếu phiên tòa xử kín và các nhân chứng không được triệu tập.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/activist-call-invest-death-lieng-ka-08092012104931.html

No comments: