Chính phủ Đài Loan mới đây đã tái khẳng định lập trường không hợp tác với Trung Quốc trong các vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, giữa lúc có một số người thúc giục Đài Bắc và Bắc Kinh chung sức với nhau để bảo vệ điều mà họ gọi là “gia tài chung ở Đông Hải và Nam Hải.”
Trong thời gian gần đây, giữa lúc căng thẳng ở Biển Đông tăng cao vì những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines, một số học giả Trung Quốc lên tiếng hối thúc Bắc Kinh và Đài Bắc hợp tác với nhau để bảo vệ điều mà họ gọi là “những quyền lợi chung do tổ tiên để lại.”
Theo báo chí Trung Quốc, tại một cuộc hội thảo về quan hệ Trung quốc-Đài Loan tổ chức ở thành phố Quí Dương hôm thứ ba (07-08-2012), ông Lưu Thế Dương, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng từ năm 1949 đến nay các chính phủ ở hai bờ eo biển Đài Loan đều có chính sách đòi chủ quyền Biển Đông và đã nhiều lần cùng nhau bảo vệ chủ quyền.
Ông Lưu Thế Dương nêu lên 3 sự kiện làm ví dụ:
1. Năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, quân đội Đài Loan đã mở ngỏ eo biển Đài Loan vốn đã bị phong tỏa gần 30 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của hạm đội Đông Hải của Trung Quốc.
2. Năm 1988, khi Trung Quốc và Việt Nam đụng độ ở đảo Gạc Ma (Trung Quốc gọi là Xích Qua), với sự chấp thuận ngầm của Đài Loan, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã ghé lại đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình) một tuần lễ và bổ sung tiếp liệu.
3. Khi Trung Quốc và Philippines xung đột với nhau ở bãi Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Mỹ Tế) vào năm 1995, Đài Loan đã ra thông cáo bênh vực Trung Quốc và khẳng định điều họ gọi là “chủ quyền đối với hải phận lịch sử” này.
Trong khi đó, tờ Asahi Shimbun ở Nhật hồi cuối tháng 7 cho biết ông Khưu Nghị, một nhà lập pháp có nhiều thế lực ở Đài Loan, đã hối thúc chính phủ hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu lửa và khí đốt trong vùng biển gần đảo Ba Bình, là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và đang do Đài Loan chiếm giữ.
Nhà lập pháp thuộc Quốc Dân Đảng đương quyền này nói rằng dự án khai thác chung với Trung Quốc sẽ mang lại những lợi ích rất lớn.
Ông Khưu Nghị cũng nói rằng Việt Nam là “mối đe dọa lớn nhất” đối với chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực này. Tờ Asahi Shimbun cho biết chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu đã bắt đầu xem xét tới đề nghị hợp tác với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Hạ Quí Xương, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan, hôm thứ 5 (09-08-2012) cho đài VOA biết rằng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, tên gọi chính thức của chính phủ Đài Loan, sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong những vụ tranh chấp ở Biển Đông và ở quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku. Ông Hạ Quí Xương nói:
“Chúng tôi có chính sách và lợi ích riêng của mình, cho nên chúng tôi sẽ không hợp tác với Hoa Lục. Chúng tôi sẽ không tiến hành hợp tác với Hoa Lục về vấn đề Điếu Ngư Đài và vấn đề Nam Hải.”
Khi được hỏi về chính sách Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng lập trường của Đài Bắc là “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác.” Ông nói thêm như sau về vấn đề hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông:
“Chúng tôi muốn tất cả các bên cùng nhau thiết lập một cơ chế hợp tác để cùng khai thác tài nguyên. Và vì thế cho nên chúng tôi sẽ không hợp tác với một bên nào để đối kháng với những bên khác.”
Trước đó, bà Lại Hạnh Viên, Chủ tịch Uûy ban Quan hệ với Hoa Lục, cũng đã phát biểu tại một cuộc điều trần ở Viện Lập pháp Đài Loan hồi hạ tuần tháng tư rằng: “Đối với vấn đề chủ quyền của những hòn đảo ở Nam Hải, chính phủ Đài Loan sẽ tự xử lý và không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này.”
Hạ tuần tháng 7 vừa qua, Đảng Dân Tiến, thuộc phe đối lập ở Đài Loan, hối thúc Tổng thống Mã Anh Cửu khẳng định lập trường của Đài Loan về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông sau khi Trung Quốc thiết lập khu cảnh bị Tam Sa, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.
Tờ Taipei Times, số ra ngày 27 tháng 7, trích lời ông Lâm Tuấn Hiến, phát ngôn viên Đảng Dân Tiến, nói rằng “Ông Mã Anh Cửu phải lên án hành động đơn phương của Bắc Kinh, một hành động phương hại tới sự ổn định của khu vực.”
Ông Lâm nói thêm rằng Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ đã bày tỏ những mối quan tâm tương tự. Ông cho rằng sự im lặng của ông Mã Anh Cửu trước những diễn tiến hồi gần đây ở Biển Đông rất có thể sẽ tạo ra những cảm nghĩ sai lạc là Đài Loan có cùng lập trường với Trung Quốc, hoặc thậm chí Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Theo tờ Taipei Times, lập trường lâu nay của Đảng Dân Tiến là vấn đề Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và một bộ qui tắc hành xử Biển Đông cần được hình thành dựa trên một cơ chế đa phương.
Chính phủ Đài Loan cũng chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đường lối đa phương, tuy đảo quốc này bị gạt ra khỏi những cuộc thương thuyết giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á vì Bắc Kinh nhất mực cho rằng Đài Loan là một tỉnh phản loạn, chứ không phải một nước độc lập.
Các nhà phân tích cho rằng sự đối chọi của Quốc Dân Đảng và Đảng Dân Tiến về vấn đề độc lập của Đài Loan và vấn đề quan hệ giữa đảo quốc này với Trung Quốc là một trong những nguyên do khiến Đài Bắc ngần ngại không muốn hợp tác với Bắc Kinh trong những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo, mặc dù đôi bên có chủ trương chủ quyền giống hệt nhau.
Một nguyên do khác, theo các nhà quan sát, là áp lực của Hoa Kỳ, một đối tác vô cùng quan trọng của Đài Bắc về chính trị, quân sự và kinh tế.
Hồi đầu tháng 5 năm nay, chính phủ Đài Loan đã chính thức bác bỏ đề nghị bố trí phi đạn phòng không tầm ngắn trên đảo Ba Bình, sau khi Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về vai trò của Đài Loan ở Biển Đông.
Tại cuộc hội thảo Trung-Đài ở Quý Dương, giáo sư Vương Cao Thành của Đại học Đạm Giang ở Đài Bắc nói rằng Đài Loan “có thái độ tương đối e dè” trong việc hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Ông nói rằng sự e dè này chủ yếu phát sinh từ việc Hoa Kỳ, Nhật Bản, và ASEAN không muốn thấy Đài Bắc bắt tay với Bắc Kinh để chống lại họ; và vì Đài Loan hiện nay lệ thuộc khá nhiều vào Hoa Kỳ và Nhật Bản trong các lãnh vực quân sự và kinh tế, đồng thời Đài Loan cũng mong muốn phát triển các mối quan hệ song phương với các nước vùng Đông Nam Á.
No comments:
Post a Comment