Friday, September 28, 2012

Phim Chấn Động Thế Giới tập - cô gái bị hành hạ đến chết trong tù

Thông báo khẩn


Xấu hổ cực kỳ.

Cây vợt tennis Anh bị mất cắp tiền ở VN

Cập nhật: 09:51 GMT - thứ sáu, 28 tháng 9, 2012
Một tay quần vợt người Anh vừa cho biết anh bị mất cắp và sau đó bị xô đẩy khi tham gia giải đấu Futures châu Á trong chặng ở Việt Nam.
Cây vợt người Anh Andrew Fitzpatrick
 
Andrew Fitzpatrick miêu tả "bị sốc" trước những gì anh trải qua tại Việt Nam.
 
 
Andrew Fitzpatrick, từ Solihull, một thị trấn phía tây miền trung nước Anh, cho biết trong tuần đầu vòng thi đấu giải Futures tại Việt Nam, anh đã bị mất cắp 1.000 bảng Anh - toàn bộ số tiền anh chắt chiu để đi lại.
 
Hôm thứ Hai, cây vợt 23 tuổi đã viết trên mạng xã hội rằng anh bị xô đẩy trong nhà tắm sau khi thi đấu và cho biết anh nay phải xoay xỏa tiếp tục đi thi đấu bằng số tiền thưởng từ giải đấu.
 
Fitzpatrick hiện đang thi giải đầu trong 5 giải xuyên châu Á. Anh cho biết đã bị kẻ cắp lấy mất ví để cạnh sân tennis ngay sau khi tới Bình Dương cách đây ba tuần.
Cây vợt người Anh này đi một mình và anh cho biết chắc chắn đã bị mất tiền khi đang tập hoặc khi đang thi đấu.
Sợ bị tấn công có vũ khí
Hôm thứ Hai, anh kể với những người hâm mộ trên mạng xã hội Twitter anh bị một người đàn ông địa phương đi theo vào phòng tắm sau khi thi đấu và bị ông này "túm lấy" anh và đã xảy ra xô xát.
"Ông ta đứng ở chỗ cửa buồng tắm vòi sen vì thế tôi phải đẩy ông ta ra mới ra được," anh nói.
"Tôi nghĩ ông ta có thể có vũ khí gì đó.
"Tôi ... chạy về phía cửa phòng thay đồ vì thế ông ta đã không trốn thoát được và tôi có thể gọi người tới hỗ trợ."
Fitzpatrick cho biết anh đã liên hệ với cảnh sát về vụ này và cho biết người đàn ông địa phương đó chỉ bị cảnh sát cảnh cáo.
Cây vợt số 13 của Anh đã vượt qua vòng tứ kết của giải cho biết anh "chỉ đợi" để rời đất nước này càng nhanh càng tốt.
Fitzpatrick cho biết sau vòng đấu tại Việt Nam, anh sẽ tới thi đấu tại Hong Kong và Nhật Bản và bạn gái của anh sẽ tới đó cùng với anh.
Anh nói: "Tôi không chịu bỏ cuộc và trở về nhà vì như thế sẽ còn tốn kém hơn vì tôi phải thay đổi các chuyến bay.
"Hiện thời tôi cố gắng xoay xỏa chỉ bằng tiền thưởng từ các trận đấu.
"Tôi càng thắng thì tôi sẽ có nhiều tiền hơn để sống," anh tâm sự.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120928_uk_tennis_player_vietnam.shtml

Video phiên xử 4 sinh viên công giáo: Cướp công khai, đánh phụ nữ thô bạo

Video phiên xử 4 sinh viên công giáo: Cướp công khai, đánh phụ nữ thô bạo Danlambao vừa nhận được một đoạn video clip ghi lại cuộc trấn áp thô bạo của công an Nghệ An đối với những người tham dự phiên tòa vụ án các Sinh viên Công Giáo hôm 26/09 vừa qua. Đoạn Clip nguyên gốc chỉ kéo dài 3 phút nhưng đã cho chúng ta thấy được lối hành xử hết sức phản cảm và thô bạo của lực lượng công an 'còn đảng còn mình'. Những hình ảnh ghi nhận bên ngoài phiên tòa 'công khai' trong đoạn clip cho thấy rõ: Chỉ trong 3 phút ngắn ngủi đã xảy ra ít nhất là 3 vụ cướp biểu ngữ một cách công khai, kèm theo đó là những đợt trấn áp bằng dùi cui và bạo lực. Những nạn nhân bị nhắm đến qua các đợt trấn áp đa số là phụ nữ và người lớn tuổi. Trong số này có mẹ anh Trần Hữu Đức, bà bị cấm không cho tham dự phiên tòa xét xử con trai mình. Khi đứng bên ngoài đòi công lý, bà bị giựt biểu ngữ, thậm chí bị công an dùng roi điện để trấn áp. Cùng với phiên tòa 3 Blogger CLB Nhà Báo Tự Do, phiên tòa 4 sinh viên công giáo rõ ràng là một trò hề nhạo báng công lý. 4 người bạn trẻ trên bị bắt giam chỉ vì đã tham gia các hoạt động tẩy chay bầu cử quốc hội 2011. Hành động bỏ tù 4 sinh viên công giáo, trấn áp thân nhân đến tham dự phiên tòa là sự trả thù thô bạo của nhà cầm quyền CS với những người can đảm đấu tranh cho dân chủ, tự do. Danlambao danlambaovn.blogspot.com

Tinh thần hiệp thông.

Saturday, September 22, 2012

Cuộc trở về nơi "Xứ Lạ" của Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler

Berlin – Không kể cuộc thăm viếng Việt Nam trước theo tính cách cá nhân với gia đình (năm 2006) để tìm về cội nguồn thì lần này vào trung tuần tháng 9 năm 2012 của phó thủ tướng Đức Philipp Rösler theo cấp cao nhà nước và dẫn theo một phái đoàn đầu tư kinh tế của chính phủ Đức gồm 80 doanh nhân đến thăm Việt Nam từ ngày 17 đến ngày 19/9, một tờ báo Đức đã đưa tựa đề "Cuộc trở về một quê hương xa lạ (Fremde Heimat)" để nói về vị phó thủ tướng Đức gốc Việt Nam.

Từ tháng 5 năm 2011 Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler đang kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ của nước Đức (Bundesminister für Wirtschaft und Technologie, Bundesvorsitzender der FDP und deutscher Vizekanzler), đồng thời là chủ tịch đảng FDP (Đảng Tự Do Dân chủ). Ông Philipp Rösler đang là vị Phó thủ tướng thứ 16 của Đức từ năm 1949, sau chiến tranh thế giới II và là vị Phó thủ tướng trẻ nhất của Đức chỉ mới 39 tuổi.


Như thế nhìn về thế lực chính trị thì ông Philipp Rösler là một người gốc Việt Nam đang có quyền lực chính trị cao nhất trong khối người Việt Nam sống tại hải ngoại. Vi dụ trong mùa hè 2012 vừa qua khi nữ thủ tướng Merkel đi nghỉ hè ngoài nước Đức thì Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler đã thay mặt điều hành nội các chính quyền Đức tại Berlin: trong lúc này ông họp nội các cho thông qua 6 dự luật quốc gia của chính phủ Đức. Cuối tháng 8 năm 2012 ông Philipp Rösler đã cùng với nữ thủ tướng Angela Merkel đến thăm Trung Quốc và đứng ngang hàng cũng như ngồi họp chung với chủ tịch cộng sản Tàu Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Trước khi khởi hành cuộc thăm viếng Việt Nam Phó thủ tướng Philipp Rösler cho báo chí biết: "Đức là quê hương của tôi, nhưng tôi đã được sinh ra tại Việt Nam. Vì vậy, điều này dĩ nhiên không phải là cuộc hành trình hằng ngày." Nghĩ đến thận phận mồ côi của mình ông nói tiếp: "Vừa lúc này tôi nghĩ đến số phận của những đứa trẻ mồ côi và nạn nhân chiến tranh, điều này làm tôi bồi hồi".

Theo sự tò mò của giới truyền thông nói về Khánh Hưng thuộc tỉnh Sóc Trăng, nơi đứa trẻ sơ sinh Rösler (cho đến 9 tháng tuổi) sống trong viện mồ côi của các nữ tu công giáo vào năm 1973 thì ông Rösler cho biết chuyến đi này không mang mục đích cá nhân và Sóc Trăng không phải là một trong những điểm dừng chân trên hành trình của ông, mặc dù tòa đại sứ VN tại Berlin đã muốn tổ chức cho ông Rösler cuộc viếng thăm đặc biệt tại Sóc Trăng. "Tôi đến Việt Nam là Bộ trưởng Bộ kinh tế Đức và như một luật sư cho nền kinh tế Đức, để hỗ trợ công việc kinh doanh của chúng tôi (chính quyền Đức) và không sử dụng cho việc nghiên cứu tiểu sử của mình", ông Rösler trả lời. Tuy nhiên chuyến đi có một chút "bồi hồi", nhưng "Đức là nhà của tôi, Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện cuộc đời của tôi". Vẫn có vài trách cứ về cách nhìn nhận cội nguồn của ông Rösler, mới đây ông cho biết: "Nếu một người được nhận nuôi mới 9 tháng tuổi, thì người đó chẳng có những kỷ niệm nào về nơi chôn nhau cắt rốn cả".

Nhìn theo quan điểm thông thường của Việt Nam dành cho những người đỗ đạt là quan trạng về làng, hoặc vinh quy bái tổ thì nhìn theo lịch trình làm việc của Phó thủ tướng Philipp Rösler còn long trọng hơn thế nữa. Đến nay chưa từng có một người con dân Việt Nam đại diện cho một quốc gia tân tiến khác đến thương thảo với cấp chính quyền cao nhất của Việt Nam: gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cùng với các đại diện cao cấp khác của Chính phủ Việt Nam.

Đây là một cuộc gặp gỡ đối tác về kinh tế cấp cao giữa hai quốc gia Đức - Việt Nam. Dẫn đầu phái đoàn Đức do Phó thủ tướng Philipp Rösler và được tháp tùng bởi một số Dân Biểu quốc hội Liên Bang Đức, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, bà Cornelia Pieper và nhiều tập đoàn mũi nhọn hàng đầu nổi tiếng của Đức như Siemens, Mercedes, Audi, BMW, Deutsche Bank, Metro Cash & Carry, Deutsche Telekom…

Phái đoàn Đức sẽ tham dự Diễn đàn đối thoại Việt Nam - Đức, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/9.

Sau đó phái đoàn tham dự Diễn đàn Kinh tế Đức - Việt, dự lễ khai trương Trường phổ thông giao lưu Đức - Việt và Trung tâm Công nghệ Đức - Việt tại Sài Gòn vào ngày 19/9.

Theo báo giới Việt Nam cho biết về kim ngạch hai chiều giữa hai quốc gia trong năm 2011 đã lên đến gần 5,6 tỷ USD, tăng 33 % so với năm 2010. Về đầu tư, tính đến nay, Đức có 185 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 900 triệu USD.

Hai quốc gia trong cuộc gặp gỡ này sẽ thúc đẩy các dự án ưu tiên gồm có xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2 Sài Gòn, trường Đại Học Việt - Đức, Ngôi nhà của Đức tại Sài Gòn.

Ngoài ra Việt nam đã vinh danh Phó thủ tướng Philipp Rösler với việc trao bằng Tiến sĩ Danh dự tại trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) vào ngày 17/9. Nơi đây ông Rösler đã gặp gỡ đại diện 200 sinh viên và thuyết trình về chủ đề "Cơ hội của nền kinh tế thị trường xã hội".

Kinh tế phải đi đôi với "tự do dân chủ"

Một điều thú vị - dưới bức tượng bán thân tô vàng của Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo cộng sản VN được đặt tại sân khấu của Đại học Kinh tế quốc dân, thì tại đó một nhà chính trị Đức gốc Việt Nam lại thuyết giảng bằng tiếng Đức cho sinh viên và ban giáo sư về sự ổn định tiền tệ, sở hữu tư nhân và tuân thủ hợp đồng. Còn hơn thế nữa ông Rösler nói một câu ngắn gọn "Không có sự tự do mà bị chia cắt ra", một lời mạnh mẽ, tuy nhiên làm cho các lãnh đạo đảng viên hiện diện tối mặt tối mày, nhưng các sinh viên hiện diện vỗ tay và câu nói đó làm họ hài lòng, giới báo Đức ghi nhận như thế.


Tại trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), Phó thủ tướng Philipp Rösler đã đưa chủ thuyết của đảng FDP do ông lãnh đạo tại Đức: có tự do mới phát triển kinh tế tốt đẹp. Điều này ông Rösler đã nói đến 7 nguyên tắc cơ bản của nhà tư tưởng Ludwig Erhard thuộc đảng FDP đã cải cách mạnh mẽ nền kinh tế Đức lên hàng cường quốc sau thời hậu chiến 1945, một trong những nguyên tắc đó là quyền Sở Hữu Tư Nhân, để nhấn mạnh "Nhà nước không phải là các nhà doanh nghiệp tốt nhất".

Ông Rösler khôn khéo gieo vào lòng sinh viên lẫn ban giáo sư một tư tưởng thực tiễn: "Tự do, đó không phải là điều nguy hiểm, nhưng nền tảng cho sự thịnh vượng mà các bạn đang nhìn thấy tại quê hương Đức của tôi."

Qua đó ông yêu cầu nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN không chỉ nhằm vào việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và mở cửa thị trường, mà còn để cho người dân có tự do hơn. "Làm thế nào để cho người dân suy nghĩ, hành động và quyết định chịu trách nhiệm cho chính mình, mà họ chẳng có sự tự do", ông Rösler nói tiếp. Dưới mắt nhìn của bộ trưởng kinh tế Philipp Rösler soi vào nền kinh tế Việt Nam thì chỉ có một cách duy nhất để có thể mau chóng phát triển: "Không có việc kinh doanh, nền kinh tế tự do mà không có tự do xã hội. Cả hai đều liên quan chặt chẽ với nhau."

Cho sự nghiệp thành công riêng của mình ở Đức, ông Rösler đánh giá đó là bằng chứng mà sự tự do đã mang lại các cơ hội tốt đẹp cho ông. "Việc đó như một nền kinh tế quốc dân lớn mạnh đã cho một người đã được sinh ra tại Việt Nam và được nuôi dưỡng trong viện mồ côi thời chiến tranh có một cơ hội để thăng tiến trong một hệ thống dân chủ, tự nhận trách nhiệm, để có thể trở thành sức mạnh phát triển một nền dân chủ". Ông Rösler cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân: "Đó không phải là vai trò của chính sách, nó không phải là nhiệm vụ của nhà nước để chỉ đạo cuộc sống kinh tế" của người dân.

Kinh tế phải đi đôi với "chữ tín"

Chính quyền Đức nhìn Việt Nam là một thị trường xuất khẩu cho tương lai, vì thế mục đích của chuyến đi này nhằm cải thiện sự hợp tác, kinh tế, chính trị và xã hội. "Tất cả các lý do trên chúng tôi muốn gửi một tín hiệu rõ ràng rằng nước Đức có một sự quan tâm mạnh mẽ và mở rộng hơn nữa về hợp tác kinh tế", ông Roesler.

Một người gốc Việt Nam đã nhắc nhở nhẹ nhàng cho nhà nước Việt Nam nguyên tắc sống còn trên thị trường thế giới: Điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc đầu tư nước ngoài là "chữ tín" của hợp đồng và tự do hợp đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài phải được xác tín rằng họ có thể dựa vào lời hứa và thỏa thuận đã được ký kết. Các công ty Đức luôn luôn phàn nàn rằng các hợp đồng ở Việt Nam không được đáp ứng và các hóa đơn không được thanh toán.

Trong túi áo mang theo danh sách 5 người tù nhân chính trị

Bộ Ngoại giao Đức đã gửi theo thông điệp cho Phó thủ tướng Philipp Rösler mang đến Việt Nam và ngày 18/9 sẽ trao trực tiếp đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng danh sách 5 người tù nhân chính trị đang mắc phải bệnh tật trong tù.

Ở Việt Nam, các nhà bất đồng chính kiến đang bị bức hại và theo dõi, tự do báo chí không tồn tại. Những cuộc bắt bớ này làm cho giới ngoại giao phải lên tiếng. Ông Rösler biểu lộ rõ ràng tại Đại học Kinh tế quốc dân: "Tự do là không nguy hiểm, nhưng là nền tảng của sự thịnh vượng", điều đó "các Bạn có thể thấy trên đất nước của tôi (nước Đức)".

Người Công Giáo Việt Nam luôn gặp khó khăn tại Việt Nam

Trước ngày lên đường viếng thăm Việt Nam, Phó thủ tướng Philipp Rösler đã trả lời phỏng vấn của tuần báo Spiegel, trong đó ông có nhắc đến người Công Gáo Việt Nam.

Spiegel Online: Tại Việt Nam, cộng sản vẫn còn cai trị với một hệ thống độc đảng. Trong chuyến đi này ông có để ý đến việc tôn trọng về nhân quyền?

Philipp Rösler: Tôi đang dấn thân trong Ủy ban Trung ương của người Công giáo Đức, do đó điều này cũng quan trọng đối với tôi để mời đại diện của Giáo hội Công giáo (VN) tham dự một buổi tiếp tân tại Đại sứ quán Đức ở Hà Nội. Người Công giáo tiếp tục gặp khó khăn tại Việt Nam. Lời mời trên như thế là một xác nhận rõ ràng từ phía của tôi.

Spiegel Online: Ông đã được rửa tội vào năm 2000. Có phải quyết định này liên quan cùng với thực tế rằng các nữ tu Công Giáo đã cứu sống ông?

Philipp Rösler: Đó không phải là yếu tố quyết định. Nhưng ai đã cảm nghiệm được sự nguy hiểm và nghèo túng trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà các Nữ Tu đã dấn thân cưu mang các trẻ em mồ côi, thì người đó sẽ gìn giữ nó mãi trong tâm trí của mình.

Phó thủ tướng Philipp Rösler sẽ kết thúc cuộc viếng thăm Việt Nam vào ngày 19/9 và sau đó ông sẽ lên đường đi thủ đô Bangkok để gặp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Phó Thủ tướng Kittirat Na-Ranong. Tại đây ông Philipp Rösler sẽ khai mạc cuộc họp Ủy ban Kinh tế với doanh nghiệp Đức và Thái Lan.

Hà Long

http://www.vietcatholic.org/News/Html/100117.htm

Thursday, September 20, 2012

Sáu Mươi Bảy Năm Nhìn Lại (1945-2012), Từ Bảo Đại đến Hồ Chí Minh: HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP









Trong lich sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết hay chỉ được học bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết hay không được học bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn. Bài này nhằm bổ khuyết cho tình trạng thiếu sót đó, đồng thời phân tích nội dung và ý nghĩa của từng bản.

TUYÊN NGÔN CỦA HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI
Hoàn cảnh được công bố
Bản tuyên ngôn độc Lập của Hoàng Đế Bảo Đại được công bố ngày 11 tháng 3 năm 1945, hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và sau một thời gian dài hơn bốn năm, từ tháng 9 năm 1940, sau khi quân Nhật vào phần đất này của Đông Nam Á, gần năm tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng và Thế Chiến Thứ Hai kết thúc.
Trong thời gian này Việt Nam bị sống dưới sự cai trị của cả người Pháp, từ sau khi Hòa Ước 1884 được ký kết, lẫn người Nhật, từ ngày 22 tháng 9 năm 1940, với một hậu quả khủng khiếp là Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu. Hoàn cảnh này đã làm cho không chỉ riêng những người Cộng Sản, vốn chủ trương đánh đổ chế độ quân chủ để cướp hay giành chính quyền (chữ của chính người Cộng Sản) để từ đó thực thi cách mạng vô sản mà luôn cả những người không những không có cảm tình với chế độ quân chủ đương thời mà còn chủ trương lật đổ chế độ này để thay thế bằng một chế độ dân chủ, không nhìn nhận giá trị đích thực của của bản tuyên ngôn này.
Lý do là vì Bảo Đại luôn luôn bị coi như một ông vua bù nhìn, trước kia trong tay người Pháp và lúc đó trong tay người Nhật. Theo họ trước kia người Pháp bảo sao, ông làm vậy và sau đảo chính 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật bảo ông tuyên bố độc lập thì ông tuyên bố độc lập, thế thôi. Người ta hiểu hay được học đơn giản như vậy. Nền độc lập mà Bảo Đại tuyên bố theo họ chỉ là do người Nhật ban cho và bản tuyên ngôn của ông chẳng có một giá trị gì trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của người Việt.
Thực chất của nó chỉ là sự tuyên bố công khai việc thay thầy đổi chủ của triều đình Bảo Đại”[1] không hơn không kém. Nhiều người lại viện lý do là nền độc lập này chưa hàn toàn. Sự thực không đơn giản như vậy. Người Nhật có lý do làm đảo chính lật đổ người Pháp và Bảo Đại có lý do phải chấp nhận yêu cầu của người Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập. Lý do của Bảo Đại đã được ông giải thích khi tiếp kiến Trần Trọng Kim và cố gắng thuyết phục ông này chấp nhận làm thủ tướng đầu tiên của chính phủ Việt Nam độc lập. Nguyên văn câu nói của Bảo Đại được Trần Trọng Kim kể lại như sau:
“Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải dứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó mọi việc.”[2]
Người ta cần phải nhớ là hơn mười năm trước đó, sau khi du học từ Pháp về tới Huế được hai ngày, ngày tháng 10 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại đã ra Dụ số 1 tuyên bố chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ của Nam Triều hủy bỏ Quy Ước 6 tháng 11 năm 1925 do Hội Đồng Phụ Chính, đứng đầu là Tôn Thất Hân, ký với Toàn Quyền Đông Dương thời ông còn nhỏ tuổi và đang du học bên Pháp, tước bỏ hầu hết các quyền hành còn lại của nhà vua trừ các quyền có tính cách nghi lễ, ân xá, sắc phong, tế lễ…kèm theo nhiều dụ khác nhằm thực hiện những cải cách qui mô trong nền hành chánh của chính phủ Nam Triều, nhưng đã bị người Pháp ngăn cản và bị thất bại.
Đảo chính 9 tháng 3 năm 1945 và lời yêu cầu tuyên bố độc lập của người Nhật dù gì đi chăng nữa cũng là điều vị hoàng đế còn trẻ tuổi từ lâu mong đợi. Ngoài ra theo nhận định và giải thích nhằm thúc đẩy Trần Trong Kim chịu khó lập chính phủ mới. Ông nói :
“Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.”[3]
Hai tiếng “cơ hội” Bảo Đại dùng ở đây cho ta thấy từ lâu ông đã mong có dịp này. Đồng thời ông cũng hiểu rằng nền độc lập mà ông tuyên cáo chưa phải độc lập hẳn”.” Chưa hết, tuyên bố rồi ông còn nói tới nhu cầu “phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập” và nhất là để tránh không cho người Nhật “lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta”, một sự e ngại chỉ có những người có kiến thức về lịch sử và chính trị học mói biết được. Ngoài ra những tiếng “rất có hại cho nước ta” cũng cho người ta thấy đối tương của hành động tuyên cáo độc lập của ông không phải là ngôi vua mà là đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, đất nước của ông và thần dân của ông. Cái nhìn và quan điểm này cũng như sự hiểu biết của ông về tình hình thế giới và thế tất bại của người Nhật về sau đã được ông nói rõ trong hồi ký của ông. Riêng đối với người Nhật, ông đã không tin tưởng ở họ cũng như chiêu bài Đại Đông Á của họ. Nói cách khác Bảo Đại ở vị thế phải chấp nhận nhập cuộc dù ông hiểu rõ sự phức tạp của vấn đề. Phần khác như ông cũng nói tới trong hồi ký của ông: Độc lập là ước mơ của tất cả mọi người Việt Nam thời đó.
Nội dung bản Tuyên ngôn
Đây là một bản văn tương đối ngắn so với những bản văn cùng loại, nhằm ba mục tiêu chính yếu là hủy bỏ một hòa ước Triều Đình Huế trước kia đã ký với nước Pháp, tuyên bố Việt Nam độc lập, đứng vào khối Đại Đông Á trong chương trình phát triển chung, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào “lòng thành” của nước Nhật với nguyên văn như sau:
“Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.
“Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vương chung.
“Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.[4]
Bản Tuyên Ngôn được đề ngày 11 tháng Ba năm 1945 tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20 được Bảo Đại ký tên với sáu thượng thư phó thự. Sáu vị nthương thư gồm có: Phạm Quỳnh, bộ Lại, Hồ Đắc Khải, bộ Hộ, Ưng Úy, bộ Lễ, Bùi Bằng Đoàn, bộ Hình, Trần Thanh Đạt, bộ Học, và Trương Như Định, bộ Công. Theo Bảo Đại đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn kiện được ký bởi nhà vua và tất cả các nhân vật quan trọng nhất trong triều đình.[5]
Đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập này của Bảo Đại, người ta cần chú ý tới những chi tiết sau đây:
Thứ nhất: Bản tuyên ngôn được mở đầu bằng quyết định hủy bỏ một điều ước đã được ký kết trước đó mà vì tình hình biến chuyển, một trong hai phía đã không tôn trọng những gì mình đã ký kết hay không thực thi được những gì mình đã ký kết trong một sinh hoạt quốc tế. Điều ước bị hủy bỏ ở đây là Hòa Ước Giáp Thân được ký kết giữa Triều Đình Huế và người Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1884, đặc biệt hai điều khoản của hòa ước này là điều khoản thứ nhất, theo đó Việt Nam công nhận và chấp nhận Quyền Bảo Hộ của nước Pháp và điều khoản thứ mười lăm, theo đó nước Pháp cam kết bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của các xứ do vua Việt Nam cai trị và bảo vệ nhà vua chống lại những sự xâm nhập từ bên ngoài và những cuộc nổi loạn từ bên trong…[6]
Sự hủy bỏ này phải được hiểu là do người Pháp bất lực không bảo vệ được Việt Nam trước sự bành trướng của quân đội Nhật và cuối cùng là chính người Pháp đã bị người Nhật lật đổ trong cuộc Đảo Chính ngày 9 tháng 3 năm 1945. Sự hủy bỏ này cũng có tính cách đơn phương từ phía Bảo Đại với tư cách là người kế vị chính thống của Triều Đình Nhà Nguyễn căn cứ vào những gì đã xảy ra vào thời điểm này.
Điểm cần được lưu ý ở đây là từ ngữ hòa ước trong văn kiện này được dùng theo số ít, trong tiếng Việt, không có chữ “các” hay “những” đi kèm và trong tiếng Pháp không có chữ “s” theo sau. Điều này có nghĩa là bản tuyên cáo chỉ hủy bỏ hòa ước bảo hộ tức Hòa Ước Giáp Thân 1884 mà thôi thay vì hủy bỏ tất cả các hòa ước đã được ký kết trước đó. Đó là các Hòa Ước Nhâm Tuất 1862 và Hòa Ước Giáp Tuất 1874 liên hệ tới xứ Nam Kỳ theo đó xứ này đã bị nhường dứt cho người Pháp và trở thành thuộc địa của họ, không còn thuộc quyền cai trị của Vua và Triều Đình Huế nữa. Vấn đề thâu hồi xứ Nam Kỳ do đó chưa được giải quyết ngay nhưng đã trở thành mối bận tâm và một phần hành quan trọng của chính Bảo Đại ngay từ buổi nhà vua tiếp kiến Đại Sứ Nhật Yokoyama và của Chính Phủ Trần Trọng Kim trong gần suốt thời gian chính phủ này tồn tại. Xứ Nam Kỳ chỉ được người Nhật trao trả trong những ngày cuối của chính phủ này và chỉ chính thức trở về với lãnh thổ quốc gia Việt Nam ngót năm năm sau, vào giữa tháng 6 năm 1949, và do Bảo Đại với tư cách Quốc Trưởng tiếp nhận từ tay người Pháp. Đây cũng là một sự kiện ít người biết đến. Hai chữ “độc lập” đã được sử dụng (nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập) và nhà vua đã dùng danh từ tuyên ngôn độc lập (proclamation d’indépendance) khi nói tới văn kiện này trong hồi ký của ông.[7]
Thứ hai: ”Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập….giúp cho cuộc thịnh vượng chung.” Câu này xác định phương thức hoạt động nhằm thực hiện tư cách độc lập (tự phát triển như một quốc gia độc lập không phụ thuộc vào nước ngoài cho xứng đáng một quốc gia độc lập) và thế đứng của Việt Nam trên trường quốc tế (tự coi mình là một phần tử Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung). Nên để tới khẩu hiệu Châu Á của Người Á do người Nhật đưa ra trong thời gian này, một khẩu hiệu hàm chứa sự độc lập của các nước Á Châu lúc đó còn là thuộc địa của các đế quốc Âu Châu. Đây cũng là một cách nói trước một cách khéo léo để ngăn chặn trước sự can thiệp vào nội tình Việt Nam của người Nhật.
Thứ ba: “Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc…”. Câu này nhằm buộc chặt lời hứa của người Nhật bằng cách nhấn mạnh vào sự trung thành với những gì họ đã nói, với quan niệm trung thành như một truyền thống chung của các dân tộc Á Đông.
Thứ tư: “”quyết chí hợp tác với nước Nhật đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.” Mục đích như trên là mục đích gì? Phải hiểu mục đích này bao gồm hai phần là “tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập”“giúp cho cuộc thịnh vương chung” như là một phần tử của khối Đại Đông Á chứ không phải cho Đế Quốc Nhật Bản hay rõ hơn nữa là choriêng nước Nhật.”
Nói cách khác, đây là một bản văn tuy ngắn ngủi, cô đọng nhưng rất quan trọng vì nó vừa mang tính cách pháp lý, có liên hệ tới nhiều văn kiện ngoại giao khác đã được hình thành trước đó, vừa biểu lộ chủ trương của một quốc gia được trao trả độc lập trong một hoàn cảnh không nhận không được, vô cùng tế nhị và phức tạp vào lúc tình hình thế giới biến chuyển quá nhanh và hoàn toàn bất lợi cho quân đội và quốc gia đảm nhận sự trao trả nền độc lập này. Mỗi điều nói ra, mỗi chữ được viết đều đòi hỏi người soạn thảo phải vô cùng thận trong và ước tính kỹ càng.
Ai là tác giả của bản tuyên ngôn này?
Người được nói đến nhiều nhất là Phạm Quỳnh, lúc đó đang giữ chức thượng thư bộ lại. Điều này có nhiều phần đúng nếu người ta để ý tới khả năng nghị luận và viết văn, viết báo kèm theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của một học giả, một người làm báo, và sau đó là một ngự tiền văn phòng tổng lý của nhà vua cũng như thượng thư bộ lại trước đó. Nó cũng được Phạm Khắc Hòe, đương thời là ngự tiền văn phòng tổng lý của Bảo Đại, trong hồi ký của ông này xác nhận.[8] Ngoài ra ta không còn một tài liệu nào khác nói về sự kiện này.
BẢN TUYÊN NGÔN CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA HỒ CHÍ MINH
Hoàn cảnh được công bố
Bản tuyên ngôn này đã được Hồ Chí Minh một mình soạn thảo, một mình đứng tên và đọc tại Quảng Trường Ba Đình ở Hà Nội vào buổi chiều ngày 2 tháng Chín năm 1945, ngót năm tháng sau bản tuyên ngôn của Bảo Đại, hơn hai tuần lễ sau khi Nhật Bản đầu hàng, mười ba ngày sau khi Việt Minh cướp được chính quyền ở Hà Nội và hai ngày sau khi Bảo Đại chính thức thoái vị. Vì được công bố sau bản tuyên ngôn của Bảo Đại, sau khi người Nhật đã đầu hàng cũng như chế độ bảo hộ của người Pháp đã bị người Nhật lật đổ trước đó, bản tuyên ngôn này đã bị nhiều người cho là thừa, không cần thiết, chưa kể tới sự kiện là chính phủ mới do Hồ Chí Minh thành lập là kế vị chính phủ Nam Triều do Bảo Đại thoái vị nhường cho dựa theo chiếu thoái vị của Bảo Đại. Chiếu này đã được Hồ Chí Minh và chính phủ mới của ông chấp nhận.
Chính Phủ Lâm Thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong những điều kiện này đương nhiên kế tục những gì Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim đã làm trước đó, trong đó có Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 11 tháng 3 năm 1945. Lập luận như vậy là hoàn toàn hợp lý đứng trên phương diện công pháp quốc tế. Một lập luận đơn giản và hoàn toàn dễ hiểu. Câu hỏi được đặt ra là Hồ Chí Minh, và những cộng sự viên của ông, khi đưa ra bản tuyên ngôn của mình có biết là trước đó Bảo Đại đã làm công việc này rồi hay không? và biết như vậy tại sao ông lại còn làm lại việc đó một lần nữa? Cho câu hỏi thứ nhất, câu trả lời là chắc chắn có; Hồ Chí Minh chắn phải biết là Bảo Đại trước đó đã tuyên cáo hủy bỏ hòa ước bảo hộ 1884 rồi. Nhưng ông vẫn làm lại công việc này vì ông có nhu cầu phải làm. Những nhu cầu đó là những nhu cầu gì? Thứ nhất là vì từ lâu toàn dân ai nấy đếu khao khát được thấy nước nhà độc lập, đúng như Bảo Đại đã viết trong hồi ký của ông, độc lập là ước mơ của mọi người dân Việt [9], cũng như nó được phản ảnh ở khắp nước ngay trước và sau ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Nói tới độc lập vào lúc đó là gõ đúng tần số của bất cứ một người dân Việt Nam nào từ đó đem lại công lao và thanh thế cho người chính thức công bố ra điều đó. Thứ hai là cho tới ngày 2 tháng 9 năm 1945, cái tên Hồ Chí Minh hoàn toàn xa lạ ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Võ Nguyên Giáp, một trong những cộng sự viên thân cận nhất của Hồ Chí Minh trong thời gian này, đã viết trong hồi ký của mình rằng:
Ba tiếng HỒ CHÍ MINH không bao lâu đã vang đi khắp thế giới với những truyền thuyết mà người ta thường dành cho các bậc vĩ nhân. Nhưng vào ngày hôm ấy, cái tên mới của Bác vẫn còn mới lạ với nhiều đồng bào. Số người biết Bác chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đó không nhiều.”[10]
Ngay vua Bảo Đại ngày 23 tháng 8 năm 1945, khi nhận được điện tín của của các ông Nguyễn Xiển, Nguyên Văn Huyên, Ngụy Như Kon-Tum và Hồ Hữu Tường nhân danh Ủy Ban Nhân Dân Cách mạng, yêu cầu nhà vua thoái vị nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Chính Phủ Nhân Dân Cách mạng với chủ tịch là “Cụ Hồ Chí Minh” đã không biết Hồ Chí Minh là ai. Còn Phạm Khắc Hòe, người được Việt Minh gài vào cạnh nhà vua cũng không biết nốt, phải chạy đi hỏi Tôn Quang Phiệt, một đảng viên Cộng Sản, rồi Đào Duy Anh nhưng Tôn Quang Phiệt đi vắng và Đào Duy Anh lục lọi, truy tìm các tài liệu, sách vở ông có nhưng cũng không ra tên này. Cuối cùng Vũ Văn Hiền, ở Bắc về mới xác nhận Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc.[11]
Tuyên bố Việt Nam độc lập đối với Hồ Chi Minh vào thời điểm này do đó là cách tự giới thiệu mình tốt nhất và hữu hiệu nhất vói toàn thể đồng bào và để được nhìn và được chấp nhận như là lãnh tụ đầu tiên đã mang lại được độc lập cho tổ quốc và cho toàn dân Việt Nam, một nhu cầu tối cần thiết, dầu rằng nền độc lập này hoàn toàn không phải do ông hay do Mặt Trận Việt Minh tạo ra mà là do những biến cố khác của lịch sử, trong đó quan trọng nhất là Đảo Chính 9 tháng Ba năm 1945, trong đó người Nhật đã loại bỏ người Pháp, kèm theo là bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoàng Đế Bảo Đại nói trên, và cuối cùng là sự bại trận sau này của người Nhật. Chúng ta cũng cần để ý là đối với đa số người Việt Nam thời đó, ngày 2 tháng 9 là Ngày Độc Lập, đúng như Nguyễn Hữu Đang, người được Hồ Chí Minh chỉ định tổ chức ngày này, gọi qua các văn thư chính thức ông đã gửi cho các cơ quan liên hệ, trong đó có thư gửi cho Thị Trưởng Hà Nội [12] và theo bìa in bản tuyên ngôn của bản đầu tiên năm 1945, do Chủ Tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Hồ Chí Minh đọc trong Ngày Độc Lập”[13].
Nhưng đối với Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Đó là “ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa”, theo lời ông nói với Nguyễn Hữu Đang, “Chú phải nhớ…[14] Tại sao vậy? Tại vì Hồ Chí Minh phải làm chuyện này trước khi quân Đồng Minh kéo vô Việt Nam, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, nhằm đặt họ trước một sự đã rồi, không thể đảo ngược đươc.. Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị được nhắc tới và câu Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp” là nhằm vào mục tiêu này. Một lý do khác cũng được người ta nhắc tới là cho mãi đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 nên độc lập của nước Việt Nam mới thực sự là hoàn toàn. Lý do này tuy nhiên cũng còn cần phải được xét lại vì nó không hoàn toàn đơn giản ở thời điểm này và các thời điểm sau đó. Những lý do lien hệ tới nhu cầu của cá nhân Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản đương thời vẫn là chính.
Nội dung bản Tuyên Ngôn
Bản Tuyên Ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, vì được phổ biến rộng rãi và hầu như được coi là duy nhất gắn liền với ngày 2 tháng 9, ngày Quốc Khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nên đã được nhiều người đọc, phân tích và tìm hiểu. Trong phần này người viết chỉ nêu lên những gì ít được mọi người nhắc hay để ý đến mà thôi.
Trong khi Tuyên Cáo của Bảo Đại đơn giản chỉ là một bản văn thuần túy pháp lý nhằm hủy bỏ hòa ước bảo hộ mà triều đình Huế đã ký trước đó căn cứ vào sự bất lực của người Pháp, vì người Pháp đã không giữ được cam kết ghi trong điều khoản thứ nhất và điều khoản thứ mười lăm của hòa ước này, mà ít nhằm tới một quần chúng hay quốc tế, thì bản Tuyên Ngôn của Hồ Chí Minh nhằm vào toàn thể người Việt qua lời mở đầu “Hỡi đồng bào cả nước…”. Tuy nhiên ở những đoạn cuối tác giả lại nhắm vào các nước Đồng Minh. Điều này phải tinh ý người ta mới nhận ra được. Về tư cách, Bảo Đại nhân danh Hoàng Đế Việt Nam, người đứng đầu của một quốc gia độc lập đã tồn tại từ trước khi người Pháp xâm lăng và là người kế thừa chính thống của các vua Nhà Nguyễn, thì Hồ Chí Minh đã nhân danh “Lâm Thời Chính Phủ của nước Việt Nam mới.”Mới là vì đến ngày đó chính phủ này mới chính thức được ra mắt trước quốc dân. Lời văn do đó phản ảnh hai tư cách của hai bản chất con người khác nhau. Một người là hoàng đế kế thừa chính thống của một triều đại đã trị vì một quốc gia từ hơn một trăm năm trước dù cho là chỉ còn hư vị; người kia là lãnh tụ của một phong trào cách mạng vừa chủ trương chống Pháp, vừa chủ trương chống Nhật và lật đổ chế độ quân chủ để giành chính quyền. Văn phong trong bản tuyên ngôn của Bảo Đại là văn phong bình thường của người cầm quyền cao nhất nước; còn văn phong của Hồ Chí Minh mang tính cách kêu gọi và ở một mức độ nào đó có tính cách bình dân, kể lể dài dòng và nhất là xách động.
Mở đầu cho bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số câu trong phần đầu của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của người Mỹ và một câu trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách Mạng Pháp. Sự trích dẫn này, vào lúc mà sự hiểu biết của quần chúng Việt Nam còn thấp kém, đặc biệt là về lịch sử Hoa Kỳ và thế giới, chắc chắn không nhằm vào quần chúng người Việt mà nhằm vào người Mỹ và người Pháp.
Lý do là Hồ Chí Minh như là một đảng viên Cộng Sản Quốc Tế chắc chắn đă hiểu hơn ai hết là người Mỹ vào thời điểm này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chính tình ở Á Châu, trong đó có Việt Nam. Được nguời Mỹ công nhận là coi như làm chủ được chính quyền. Hiểu được như vậy, ngay từ khi còn ở chiến khu Hồ Chí Minh khi tiếp xúc với người Mỹ đã yêu cầu họ cung cấp cho ông một bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ, đồng thời nói về lịch sử nước Mỹ như là một cách để chinh phục cảm tình của họ. Đó chính là lý do tại sao ngày 29 tháng 8 năm 1945, hai ngày trước khi Hồ Chí Minh tuyên đọc Bản Tuyên Ngôn Dộc Lập của ông, lúc 10 giờ 30 sáng, ông đã cho xe tới chở Đại Úy Archemedes L. A. Patti, trưởng nhóm tình báo OSS mới tới Hà Nội không lâu, đến gặp ông. Mục đích của cuộc gặp mặt theo Hồ Chí Minh không phải là để bàn về chuyện người Tàu mà là để nói về những gì ông đã làm vài ngày trước đó (buổi họp ngày 27 về Chính Phủ Lâm Thời) và ít ngày sau đó (ngày 2 tháng 9 đã được chọn là Ngày Độc Lập, Hồ Chí Minh sẽ tuyên bố Việt Nam độc lập và giới thiệu thành phần chính phủ lâm thời) với Patti như là người đầu tiên được biết.
Quan trọng hơn hết Hồ Chí Minh đã cho Patti coi bản nháp của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của ông bằng tiếng Việt với những sửc chữa chằng chịt mà Pattti không đọc được và chỉ hiểu sơ sơ qua lời một thông ngôn.[15]Vì chỉ nhằm mục tiêu lôi cuốn sự chú ý và cảm tình của người Mỹ, Hồ Chí Minh đã không đi xa hơn nữa và rất có thể ông cũng không hiểu rõ hơn hay cố tình không hiểu sự khác biệt trong quá trình giành độc lập của mười ba thuộc địa của người Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII và của nước Việt Nam thời năm 1945. Vì vậy ông đã áp dụng quan điểm của người Mỹ về quyền bình đẳng, quyền được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc của mọi-người-như-là-những-cá-nhân-riêng-lẻ vào trường hợp chung của cả nước Việt Nam như một-quốc-gia-đòi-quyền-độc-lập, một cách gượng ép hay ít ra là suy luận theo quan điểm chủ quan của mình bằng lối loại suy với dụng ý riêng. Cũng vậy với những gì ông trích dẫn từ bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách Mạng Pháp.
Phần kế tiếp, Hồ Chí Minh lên án người Pháp và người Nhật, đồng thời ông kể công cho Việt Minh: “Trước ngày mồng 9 tháng 3, đã bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật…”, sau đó “đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ” và kết luận rằng Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt-nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Điều như người viết đã nói ở trên là không đúng sự thật. Sự thật là Chính Phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim đã lấy lại được toàn thể nước Việt Nam từ Bắc chí Nam, bao gồm luôn cả xứ Nam Ký từ trong tay người Nhật, trước khi người Nhật đầu hàng và Việt Minh đã cướp chính quyền từ trong tay của chính phủ Bảo Đại -Trần Trọng Kim trong những ngày 17 và 19 tháng 8 năm 1945 sau đó, sau khi Nhật đã đầu hàng, nói cách khác sau ngày 15 tháng 8 năm 1945. Lý do là vì Việt Minh “Việt Minh chủ trương khác”, nói theo Phan Anh, Bộ Trưởng Thanh Niên trong Chính Phủ Trần Trọng Kim và sau này là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong Chính Phủ Liên Hiệp của Hồ Chí Minh[16].Trong những đoạn này Hồ Chí Minh đã dùng các từ ngữ ta hay “dân ta” hay “đất nước ta”, nhưng mục đích không nhằm vào người Việt Nam mà vào người Pháp. Ông đã kể công vói người Pháp dự trù cho việc họ trở lại sau này.
Phần cuối cùng của bản văn, từ “Bởi thế cho nên…” cho đến hết, lời văn cho người ta thấy Hồ Chí Minh không hướng về người Việt mà về cả thế giới. Trong phần này ông xưng là “chúng tôi, Lâm thời Chính phủ, đại biểu cho toàn dân Việt -nam “ để tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, kêu gọi các nước Đồng Minh công nhận quyền độc lập của dân Việt-nam…Phần này Hồ Chí Minh thay vì nói về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mọi – người – như – những – cá – nhân do Tạo Hóa ban cho, những quyền phải hiểu là tự nhiên ai cũng có, đã nói về quyền hưởng tự do và độc lập của cả nước. Đây là một lập luận có tính cách cưỡng ép, hoàn toàn không đúng với tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Người Mỹ và nhất là của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách mạng Pháp mà danh xưng của nó đã nói lên một cách rõ ràng: Nhân Quyền và Dân Quyền, không thể hiểu sai được. Độc lập của một dân tộc không phải luôn luôn đồng nghĩa với tự do, dân quyền và nhân quyền của mỗi một cá nhân người dân như những thành phần của dân tộc ấy.
Không những thế, thay vì coi những quyền này là do Tạo Hóa ban cho, Hồ Chí Minh lại lý luận là vì dân tộc Việt Nam là “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc ấy phải được độc lập!”. Lý luận như vậy người ta phải hiểu, theo Hồ Chí Minh, rằng những dân tộc không gan góc chống lại những thế lực đè nén, áp bức mình và không gan góc đứng về phe Đồng Minh, chống phát-xít là không đáng được tự do, độc lập. Cũng vậy, với các quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người do Thượng Đết ban cho như là những cá nhân trong xã hội. Chính vì vậy Luật SưTrần thanh Hiệp,khi được Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn ngày 2 tháng 9 năm 2007, đã có lý khi ông gọi bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh này là “một bản tuyên ngôn phi nhân quyền”[17] dù cho là nó đã được chính tác giả của nó trích và soạn thảo theo tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của người Mỹ và bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của người Pháp. Nhưng dù nói thế này hay thế khác sự kiện này đã phản ảnh chủ trương giai đoạn, khôn phải là mục tiêu cuối cùng của những người Cộng Sản Việt Nam mà Hồ Chí Minh ở đây là một trường hợp điển hình.
Về thời gian soạn thảo, nhiều người cho rằng Hồ Chí Minh chỉ có ít ngày sau khi ông từ chiến khu của Việt Minh về Hà Nội, trong khi ông còn phải bận rộn với nhiều vấn đề cấp bách khác. Điều này không đúng vì trước đó từ lâu, như đã nói ở trên, khi tiếp xúc với một sĩ quan người Mỹ, ông nhờ người này kiếm cho ông một bản Tuyên Ngôn Độc Lập của người Mỹ rồi.[18] Nói cách khác, Hồ Chí Minh đã nghĩ tới và đã thai nghén bản tuyên ngôn của ông từ lâu chứ không phải chỉ ít ngày trước ngày 2 tháng 9 năm 1945. Do đó những gì ông nói tới, những từ ngữ ông dùng đều được cân nhắc kỹ càng và đều có dụng ý riêng với những mục tiêu riêng mà chỉ sau này phải phân tích kỹ, đối chiếu kỹ và có thể sau này khi mọi việc liên hệ đã xảy ra rồi, người ta mới có thể hiểu được.
Điều đáng tiếc là khi thực thi những gì ông đã trích dẫn và đề cao trong bản tuyên ngôn của ông, Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông và sau này những người nối nghiệp ông trong Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ thực thi những gì ông đã suy rộng ra theo lối suy luận loại suy (độc lập của dân tộc) mà làm ngược lại những gì đích thực về nhân quyền và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân con người, theo đúng nguyên bản của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của người Mỹ và bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của ngưòi Pháp. Nói cách khác, Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông trong đó có Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, cũng như hậu duệ của các ông, thay vì đi theo con đường tự do, dân chủ của các nhà lãnh đạo của cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, trong đó có Washington, Jefferson, dựa theo đúng tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của họ mà các ông đã trích dẫn phần mở đầu, đã theo con đường của Lê Nin, Xít Ta Lin và Mao Trạch Đông.
Hậu quả là 67 năm sau, Bà Hillary Clinton, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, khi đế thăm Việt Nam đã phải công khai nhắc người đồng nhiệm của Bà ở Việt Nam và luôn cả các ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Chính Phủ và Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam về vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Người ta không hiểu là khi làm công việc nhắc nhở này, Bà Clinton có biết rằng 67 năm trước Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập của ông với phần trích dẫn về nhân quyền từ bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ hay không? Người viết tin là có.
Cũng vậy với Đại Sứ David Shear khi ông này tới thăm Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế và Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ ở Saigon. Nhưng dù có hay không, khi trích dẫn những tài liệu này, Hồ Chí Minh và từ đó Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã mắc một món nợ tinh thần với cả hai dân tộc Mỹ và Pháp và nhân ngày 2 tháng 9 năm 2012 này, những ai quan tâm đến vấn đề nhân quyền và dân quyền ở Việt Nam hiện tại, nhất là người Mỹ và người Pháp, nên nhắc nhở những người đang nắm vai trò lãnh đạo ở quốc gia này phải tôn trọng và thực thi những gì Hồ Chí Minh, người đã khai sáng nên chế độ của họ đã long trọng trích dẫn và tuyên đọc 67 năm trước, cần phải “thật thà”[19] coi trọng những lý tưởng mà chính vị “Cha Già” của họ đã viện dẫn từ hai bàn Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp, coi như một hình thức trả nợ mà bình thường mọi người đều phải làm nếu không muốn mang tiếng là lừa đảo.
TS Phạm Cao Dương