Thursday, April 12, 2012

Ngút Trời Thương Đau ( Phần 1)

Phạm Diễm Hương

(Phóng tác dựa theo tác phẩm “All Honor To You” của Đức Ông Peter Nguyễn Quang. Xuất bản năm 2002

Đức Ông Peter Nguyễn Quang hiện là Cha Chánh Xứ của nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức ( Our Lady of Lourdes) tại Denver, Colorado)

******

Tui vẫn lầm lũi trong đêm, vẫn căng mắt hối hả chạy, không thể ngừng lại một phút giây nào nữa. Mới năm ngày trước, tui còn là chiếc tàu chở muối trên sông, tôi rề rà sống qua ngày không lo lắng không ưu tư. Nhưng từ cái đêm ông chủng sinh tên Quang, là người mướn tui để chở muối, có ý muốn tui đưa ổng và mấy người bạn vượt đại dương tìm tự do, tui vừa run vừa hãnh diện. Vì biết sức mình chỉ là tàu đi sông, nhưng được người ta tin tưởng cho tham gia chuyện lớn. Tui chưa hề ra tới cửa biển, chưa hề nhìn thấy đại dương, cái này làm tui háo hức, và cuộc đời sông nước hiểm nguy rình rập là chuyện thường tình. Lo gì, tới đâu tính tới đó!

Trăng thượng tuần xa tít mù khơi, cái ánh sáng xanh xanh yếu ớt chỉ chiếu tới nửa từng trời, còn nửa dưới này vẫn tối thui. Mà thôi, trăng hay trời cũng xin đừng chiếu sáng nữa, tui cầu xin như vậy. Hãy để tui sống trong bóng đêm, để không nhìn thấy những điều khủng khiếp mà con người có thể đối xử với con người. Trời ơi! tui bất lực, tui không đủ sức cưỡng lại. Lúc đó, tui thấy họ từ xa, hai cái tàu lớn đang tiến về phiá tui. Tui nghe tiếng Quang gấp gáp biểu tui chạy lẹ về phía họ, vì họ đang chạy tới mình, chắc là đã thấy mình. Mình cần họ cứu, cùng lắm mình xin họ cứu những phụ nữ và trẻ em đang chết khát, hay tệ hơn nữa, họ cũng có thể cho mình đồ ăn thức uống cũng được. Tui nghe lời Quang, chạy sấp ngửa vì sóng dội. Chớp mắt, bọn họ đã ép sát bên tui, họ lớn gấp năm gấp sáu lần tui, khiến tui rung lên quay quắt đứng không muốn vững, Quang thảy sợi dây thừng qua boong của họ, để họ kéo tui tới gần hơn.

Tui nhướng mắt nhìn, họ coi dữ dằn, khoảng 20 người đàn ông vừa trẻ vừa đứng tuổi, có vẻ là người đánh cá. Nước da họ đen bóng dưới ánh nắng. Tui không biết họ là người nước nào, không có lá cờ nào trên tàu, nhưng một vài mẫu tự bên hông tàu cho biết có thể họ từ Thái Lan. Họ vẫy chúng tôi. Không ai vẫy lại. Bỗng hai ba người nhảy lên mình tui. Sức mạnh của họ làm tui lắc lư tròng trành. Một người trong bọn họ kéo một phụ nữ đứng dậy đưa qua tàu của họ. Người phụ nữ vừa đặt chân qua bên đó, trời ơi, một bọn bốn năm người đàn ông vây lấy bà, mạnh bạo xé áo quần của bà, đầy bà nằm xuống, trời ơi, chúng hãm hiếp bà. Tui nghe tiếng người chồng thất thanh: “Cứu! cứu vợ tôi! trời ơi, cứu! cứu!”. Tôi hốt hoảng nhìn Quang, mặt Quang kinh ngạc trắng nhách. Bất thần, từng đứa từng đưá nhảy qua mặt tui, kéo lê những phụ nữ yếu đuổi, rên rỉ chết khiếp sang tàu bọn chúng. Tôi nghe tiếng Quang gào lên đứt quãng: “ Xin hãy lấy bất cứ cái gì ngay cả máy tàu, tiền bạc vòng vàng, nhưng xin đừng xâm hại đến con người, chúng tôi là những người tỵ nạn, đi tìm tự do.” Chúng trừng mắt nhìn mọi người, chúng vẹt mọi người ra, chúng bắt những phụ nữ. Chúng cười ha hả man rợ. Bỗng một tên cầm búa phang vào cằm Quang. Quang đổ xuống, bất tỉnh. Mọi người bên này nín thinh, bất động. Bên đó, chúng đang trơ tráo hãm hiếp. Những tiếng thét, tiếng khóc uất nghẹn, dội qua cùng sóng biển, nghe buốt ruột buốt gan.

Tim tui đau nhức, lỗi tại tui, tui chỉ là ghe đi sông, đâu đủ sức đi biển. Phải chi tui là tàu đi biển, tui mạnh, tui không bị gió đẩy, gió cuốn, tui cưỡng gió nhắm hướng Đông mà chạy thì đâu bị cảnh này. Tại sao tui liều mạng cưu mang mấy chục sinh linh hả trời? Sóng vẫn đánh mạnh bên sườn, nhưng tui không thấy đau, tui chết cứng như trời trồng. Thời gian trôi thiệt chậm, mặt trời muốn bổ ngửa mà chưa thấy người mình trở về. Ôi trời ơi!

Có tiếng chân bước nhẹ, những phụ nữ tội nghiệp trần truồng đang dọ dẫm từng bước trên mình tui. Tui ráng tấn dưới nước, giữ chắc thân mình không lay động, để họ không bị đau đớn thêm. Bọn hải tặc cắt sợi dây thừng, chạy vụt đi, tui quay mong mòng giữa đống sóng bị nhồi, tui ráng gồng mình. Tui nghe tiếng con nít khóc, làm như nó khóc vì mừng rỡ tìm được mẹ. Toàn thân tui mặn chát, có thể người ta nói tại tui ngâm mình dưới biển mấy bữa rày, nhưng đâu ai biết nước mắt đang tràn ngập trong tui. Những thân thể bầm tím trần truồng với vết thương đang chảy máu, đang co ro, lẻ loi giữa thân nhân và những người cùng cảnh ngộ. Họ gục mặt khóc, lặng lẽ khóc, nước đầy ứ trong hốc mắt.

Có tiếng cựa quậy sát bên hông, hai chị em ruột tựa vào nhau và dựa sát vào tui, tui hơi nghiêng mình cho họ có chỗ dựa lưng. Cô chị 16 tuổi nức nở run run kéo em vào lòng, nó mới 13. Phía bên kia, Quang vừa tỉnh lại sau cú đánh, vết thương ở cằm toét ra và vẫn còn rỉ máu. Hình như ổng không thấy đau, đôi mắt ổng thất thần nhìn mọi người. Trên dưới 20 phụ nữ bị hải tặc hãm hại. Nước mắt tràn trên mặt họ. Ổng nhìn hai chị em, là người cùng trong giáo xứ với ổng ở Việt Nam. Ổng như người quẫn trí, ổng nín thinh, ổng bất lực, ổng thổn thức: “Lỗi tại con Chúa ơi, phải chi con có kiến thức, có hiểu biết nhiều về biển, về kẻ dữ, con đã không cho tàu đến gần họ. Chúa ơi, Ngài ở đâu? Sao Ngài để chúng con phải chịu cảnh này? Chúa ơi, Ngài ở đâu?” Tui muốn nói với Quang, lỗi này là tại tui, tại tui cũng muốn hưởng tự do, bất chấp cái sức của mình!

Tứ bề nín thinh, sóng biển cũng giảm cường độ, tui chết trân lặn hụp theo sóng vì lòng máy bị trấn nước. Trên tàu không ai dám nói với ai một tiếng nào, làm như bất kỳ một ngôn từ nào phát ra, cũng sẽ khiến vết thương bùng vỡ, máu sẽ tuôn xối xả, không thể cầm giữ. Những phụ nữ được mặc áo quần trong thinh lặng và nương nhẹ. Những người đàn ông có vợ bị hại giấu mình trong bóng tối ray rứt khóc. Xấu hổ và bất lực. đã xé nát tâm can họ. Mọi người và tui nữa, không biết làm cách nào để an ủi họ. Tui nghe tiếng Quang thì thầm: “Chúng ta vừa trải qua những giờ phút thương đau, tủi nhục, chúng ta cần chia sớt với nhau. Bất hạnh đã xảy ra, không do lỗi của bất cứ ai. Chúng ta không thể tự trách mình. Hãy an ủi nhau, cùng vượt qua mọi đau đớn, khổ nhục, vì chúng ta đang cùng chung cuộc hành trình khó khăn, không biết có đến được bến bờ hay không, nhưng chúng ta hãy cố gắng hết sức mình. Chúng ta đã đi được sáu ngày có nghĩa là chúng ta đang rất gần đất liền. Hãy giữ niềm tin và hãy luôn ở bên nhau. Chúng ta sẽ đến nơi, dù khó khăn đến đâu, chúng ta cũng sẽ đến nơi.” Tui khóc rưng rức, tui nguyện lấy sanh mạng của con ghe chở muối trên sông, đối đầu với sóng cao biển dữ để đưa dân tui đến bến bờ tự do.

Có tiếng con nít khóc, một người mẹ đã đẩy con ra khỏi vòng tay mình. Trời ơi, bà bị nhục, danh dự bị tước đoạt thô bạo, phẩm giá bị bôi nhọ đến tận cùng, bà không còn gì nữa, bà không đáng sống nữa. Ôi cao quý và cũng đáng thương biết bao! Trước khi bước vào chốn gian nan, ai cũng biết có thể gặp nạn, có thể bị nhục. Cái giá của Tự Do đã có người trả bằng sanh mạng, thì cái nhục bởi hải tặc sẽ không đáng gì! Nhưng có trần thân dưới sàn tàu, có hực lên vì đau, có nghe tiếng thét hãi hùng, có thấy ánh mắt khiếp sợ, mới thấy cái chết đôi khi dễ chấp nhận hơn. Vì chết là bôi xoá, là không còn, là không nhớ, không thương đau!

Tui nhớ cái đêm ra khơi, trời đen thui, tui núp trong rạch sâu chờ mấy cái ghe taxi chở người ráp vô. Những người phụ nữ hiền lành này đã ngồi bên nhau, tất cả đã tựa sát vào tui như tìm nơi nương tựa. Tui đã hứa hẹn là mọi người hãy yên tâm, tui cứng cáp mạnh mẽ, sẽ đưa mọi người đi bình an. Sau khi mấy cái ghe taxi vỗ vỗ bên mạn sườn, chúc lành đi bình an hén, tui cảm động rùng mình, vì trời khuya lạnh, mà cũng vì cái tình bè bạn thương hồ lâu nay. Tui gật đầu quày quả phóng ra khỏi con rạch, chạy một nước để tránh công an biên phòng. Lúc sắp ló ra cửa biển, tui sựng lại, quay nhìn phía sau, tui đã bỏ con sông xa lắc!

Tui ngập ngừng không biết đi hướng nào, bỗng tiếng Quang hốt hoảng: “Chết rồi, ông tài công dởm rồi, thôi chúng ta theo hướng Đông mà chạy”. Tui nhắm mắt chạy theo hướng mặt trời mọc. Tui mong manh như chiếc lá giữa đại dương, trồi lên thụt xuống theo con sóng. Tui đã không lường được sức mình, gió mạnh có hồi xoay tui vòng vòng, tôi nghiệp Quang và mấy người bạn lo giựt tóc mai cho tui tỉnh táo. Qua tới ngày thứ hai tui bị gió đẩy gần sát đảo Côn Sơn. Tui hoảng hồn, theo sự điều khiển của Quang, tui cố hết sức bình sinh chạy thục mạng để thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm này. Tui nhừ tử, muốn bỏ cuộc, nhưng sự sống và hy vọng của mấy chục con người đang trông chờ vào tui. Tui ráng ngày đêm âm thầm rẽ sóng. Qua tới ngày thứ tư, cuối chân trời xuất hiện một đốm sáng trưng khiến tui hồi hộp, mừng rỡ. Đèn sáng chói chang kiểu này chắc phải là đất liền, phải là ánh sáng của tự do. Tui nhào tới. Có tiếng súng, tôi vẫn nhào tới, tiếng súng gần hơn, rát hơn. Tui khựng lại quay mòng mòng. Một chiếc canô chạy tới với người và súng. Ôi trời ! đứng bắn. Người trên canô cho biết cái vùng trời sáng chói đó là giàn khoan. Họ không thể cứu người tỵ nạn, không cho thức ăn thức uống, nhưng họ chỉ đường để vào Mã Lai. Tôi mệt mỏi dập dình theo con sóng. Tôi nghe Quang ước ao phải chi họ cho mọi người lên giàn khoan, để thoát khỏi cái tàu nhỏ xíu mong manh nguy hiểm mà họ đã chịu đựng trong bốn nngày qua. Tui đau thắt ruột, nhưng nhớ đến sứ mạng của mình, đến số kiếp của những con tàu, tui bình tâm lại và nguyện chấp nhận mọi số phận dành cho mình, miễn sao mọi người được bình an. Tui lùi xa giàn khoan chập choạng đi trong đêm và sáng hôm sau, ngày thứ năm của cuộc hành trình thì gặp nạn như tui kể phần trên.

Mênh mông trời nước, mọi người nín thinh tiếp tục cuộc hành trình. Thương đau vẫn tràn ngập dù chuyến đi đã bước qua ngày thứ mười. Đất liền vẫn xa tít mù khơi. (PDH 3/12)

 

http://www.facebook.com/notes/diem-huong-pham/ng%C3%BAt-tr%E1%BB%9Di-th%C6%B0%C6%A1ng-%C4%91au-ph%E1%BA%A7n-1/418893594792178

No comments: