Thursday, April 4, 2013

Miến Điện « tái định vị » để được hậu thuẫn quốc tế

Miến Điện « tái định vị » để được hậu thuẫn quốc tế
Tổng thống Miến Điện Thein Sein và Thủ tướng Úc Julia Gillard trong cuộc họp báo chung ngày 18/03/2013.
Tổng thống Miến Điện Thein Sein và Thủ tướng Úc Julia Gillard trong cuộc họp báo chung ngày 18/03/2013.
REUTERS
Ngày 18/03/2013 vừa qua Tổng thống Miến Điện Thein Sein được chính phủ Úc tiếp đón nồng hậu. Canberra tăng cường viện trợ giúp chế độ mới tiếp tục tiến trình cải cách dân chủ và củng cố an ninh quốc phòng. Sau hai thập niên bị quốc tế ruồng bỏ, làm cách nào mà nhà lãnh đạo chỉ hơn một năm trước đây còn bị xem là kẻ thù của tự do, nhân quyền lại được hoan nghênh như một người hùng?
Trong tiến trình dân chủ hóa tại Đông Nam Á, Miến Điện đã gây « ấn tượng » mạnh nhất vì bên cạnh lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, phía nhà nước có một vị lãnh đạo khôn ngoan và có tầm cỡ.
Đầu tuần trước, Tổng thống Thein Sein trở thành nhà lãnh đạo Miến Điện đầu tiên đặt chân đến nước Úc kể từ 40 năm qua. Trong những tháng gần đây, Tổng thống Miến Điện đã liên tục công du thế giới để thuyết phục cộng đồng quốc tế về thiện chí, nhiệt tâm của chính quyền do ông lãnh đạo đưa đất nước vào một tương lai dân chủ và tự do.
Trước khi đến Úc, Tổng thống Thein Sein đã công du một vòng châu Âu, được đón tiếp tại Bruxelles và được Liên Hiệp Châu Âu đình chỉ hầu hết các biện pháp cấm vận, trừ vũ khí.
Tổng thống Miến Điện được Canberra cam kết tăng cường quan hệ hợp tác trong lãnh vực quốc phòng (trừ vũ khí) , cứu trợ thiên tai, tăng cường viện trợ xây dựng các định chế dân chủ, bổ nhiệm cố vấn kinh tế và tùy viên quân sự…
Công nhận « Miến Điện đã thực hiện những bước tiến bộ chưa từng thấy về hướng tự do chính trị mà động lực chính là Tổng thống Thein Sein », Thủ tướng Úc Julia Gillard tuyên bố "là quốc gia láng giềng gần, nước Úc sẽ hưởng được nhiều phúc lợi từ một nước Miến Điện cởi mở hơn, thịnh vượng hơn và hoàn toàn hội nhập vào khu vực".
Tháng 12 năm ngoái, Washington cũng đề cập đến kế hoạch từng bước « hợp tác quân sự » với Naypyidaw.
Quân đội Miến Điện tuy không còn kiểm soát toàn bộ kinh tế trong tay nhưng bản Hiến pháp hiện nay vẫn cho giới quân nhân kiểm soát 25% ghế dân biểu.
Tại Canberra, Tổng thống Thein Sein tỏ ý biết ơn nước Úc « thấu hiểu và kiên nhẫn » trong khi Miến Điện phải « tấn công cùng lúc ba mặt trận » : xây dựng một chế độ dân chủ từ một chính quyền quân phiệt, tái lập hòa bình sau 60 năm nội chiến và chuyển đổi một nền kinh tế tập trung, cô lập sang kinh tế tự do có khả năng đem lại cơm no áo ấm cho toàn dân. Ông cũng không phiền trách Canberra « can thiệp vào nội bộ Miến Điện » khi thi hành cấm vận trong các thập niên qua.
Theo nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney thì trong chuyến công du nước Úc đầu tiên của một vị nguyên thủ Miến Điện tính từ năm 1974, ông Thein Sein đã chứng tỏ ông là một lãnh đạo bản lãnh, « trưởng thành về ý thức chính trị» . Tương lai Miến Điện còn nhiều bất trắc nhưng chính sách « tái định vị » tuy không nói ra của Miến Điện đối với Trung Quốc cũng là lý do làm cho các nước Tây phương tin cậy và ủng hộ.

RFI: Thân chào nhà báo Lưu Tường Quang, sau khi được Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu giải tỏa cấm vận, trong chuyến công du nước Úc ngày 17 và 18 tháng 3 vừa qua, Tổng thống Thein Sein gặt hái được những thành quả nào?
Nhà báo Lưu Tường Quang: Hồi đầu tuần rồi 18/03/2013, Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã được tiếp đón trọng thể bởi Thủ tướng Úc Julia Gillard. Điều người ta không thể tưởng tượng được là cho đến năm 2010 thì Tổng thống Thein Sein cũng là một trong những người bị xem là thành phần bất hảo và bị cấm đến Úc. Tuy nhiên, có nhiều biến đổi quan trọng trong nội chính Miến Điện mới đưa đẩy đến chuyện Tổng thống Thein Sein được hoan nghênh tại Úc, trước đó ông được hoan nghênh tại Hoa Kỳ và Liên Âu.
Cụ thể thì Thủ tướng Julia Gillard ca ngợi những thành quả quan trọng trong việc dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền tại Miến Điện, và bà cho rằng vai trò trọng tâm vẫn là Tổng thống Thein Sein. Ngược lại, Tổng thống Thein Sein cũng tỏ ra mình là một người có trình độ rất cao. Ông ghi nhận là trước đây Úc Đại Lợi cũng như nhân dân Úc đã từng bày tỏ quan ngại về chế độ độc tài và những vi phạm nhân quyền tại Miến Điện. Ông cám ơn nước Úc đã có những quan ngại như vậy và ông nói Miến Điện sẽ phải học hỏi rất nhiều từ Úc trong vấn đề phục hưng kinh tế và cải thiện nhân quyền. Sự đối đáp này biểu lộ một sự trưởng thành về ý thức chính trị giữa hai lãnh tụ của hai nước.
Về thành quả cụ thể thì Miến Điện được Úc viện trợ cấp thời 20 triệu đô la Úc để cải tiến tiến trình dân chủ tại Miến Điện. Ngân khoản này sẽ tăng lên 100 triệu đôla vào năm 2015.
Điều ta cần chú ý là mặc dù mới nối lại bang giao mà Úc đã chuẩn bị gởi tùy viên quân sự đến Miện Điện trong năm 2013 hoặc 2014. Chúng ta nhớ rằng Hà Nội bang giao với Úc từ năm 1973 thì đến năm 1999, Úc mới gởi tùy viên quân sự đến Sứ quán Úc tại Việt Nam, và qua năm 2000 thì Hà Nội mới gởi tùy viên quân sự Việt Nam đến Canberra.
Ngoài ra, Úc cũng sẽ gởi chuyên viên thương mại sang Miến Điện để cải thiện giao thương và phát triển đầu tư Úc Đại Lợi. Úc giúp Miến Điện rất nhiều trong vấn đề thoát khỏi cô lập nhưng đồng thời sự phát triển của Miến Điện cũng đem lại lợi nhuận rất lớn cho Úc. Trong bang giao quốc tế, quyền lợi hỗ tương giữa hai nước bao giờ cũng là vấn đề quan trọng.
RFI: Chỉ trong vòng một năm từ ngày những kết quả đầu tiên của chính sách cải cách được thấy rõ, thì Miến Điện từ bất hảo trở thành một nước được Úc mở rộng vòng tay chào đón. Những nguyên nhân cốt lõi nào đã thúc giục chính phủ Úc tiếp đón ông Thein Sein như thượng khách?

Nhà báo Lưu Tường Quang: Trong suốt hai thập niên khi Miến Điện nằm trong tay chế độ quân nhân độc tài thì Hoa Kỳ, Úc và Liên Âu là những quốc gia dân chủ mạnh mẽ cấm vận, mạnh mẽ chỉ trích và mạnh mẽ khuyến khích chế độ Miến Điện cố gắng cải thiện nhân quyền và nhất là tự do dân chủ.
Khởi đầu, vào năm 1990 trong cuộc bầu cử Quốc hội, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng lớn nhưng bị Hội đồng Quân nhân phủ nhận và tiếp tục cai trị với bàn tay sắt, giam cầm, quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi.
Nhưng đến tháng 11/2010 đã có một cuộc bầu cử lần đầu tiên từ 20 năm. Lý do là vì vào năm 2007, Miến Điện đã trải qua một cuộc « cách mạng áo cà sa » với 3.000 tu sĩ và nhiều thành phần xã hội khác biểu tình đòi tự do dân chủ. Đến 2008 thì Miến Điện bị thiệt hại nặng nề vì cơn bão Nagis mà chính phủ quân nhân tỏ ra bất lực trong việc cứu trợ và tái thiết. Cho nên có lẽ họ nghĩ rằng đi theo Trung Quốc quá lâu nhưng vẫn không đem lại kết quả gì cụ thể và đất nước vẫn chìm đắm trong tình trạng kinh tế tồi tệ, do vậy đến 2010 họ bắt đầu thay đổi lớn.
Tháng 11/2010 bà Aung San Suu Kyi được tự do và đến tháng 3/2011 tướng Thein Sein trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên. Sau đó, ông có một số động thái chứng tỏ muốn dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền, thả tù nhân chính trị. Nhưng điều quyết định mà tôi nghĩ rằng đứng về phương diện bang giao quốc tế bày tỏ sự thay đổi tư duy của giới lãnh đạo Miến Điện, là quyết định vào tháng 9 năm 2011. Ông Thein Sein nghe theo tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân mà hủy bỏ hay tạm ngưng công trình đập thủy điện Myitsone mà Trung Quốc thiết kế và đầu tư 3,6 tỉ đôla…
Quyết định ngoạn mục này cho thấy Miến Điện đang trên đường « tái định vị » trên bàn cờ chính trị Đông Nam Á, tức là giảm đi sự tùy thuộc vào Trung Quốc và đồng thời nâng cao quan hệ với Ấn Độ, mở rộng bang giao với Hoa Kỳ. Mà chúng ta đã biết bang giao với Mỹ tùy thuộc vào tiến trình dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền. Với sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, Miến Điện đã làm công việc đó…
Cho nên tháng 9/2012 Tổng thống Thein Sein đến Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc và ông tuyên bố « tiến trình dân chủ không bị đảo ngược ». Tháng 11/2012, Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến công du tham dự Thượng đỉnh Đông Á đã đến Miến Điện. Những biến chuyển dồn dập này cho thấy Miến Điện thực tâm dân chủ hóa, cải thiện nhân quyền và thứ hai, động thái « tái định vị » của Miến Điện cho thấy Miến Điện muốn bang giao tốt đẹp với Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc.

RFI: Miến Điện chờ đợi gì ở Úc một cường quốc khu vực cấp trung và Úc được gì khi mở rộng vòng tay với một quốc gia Đông nam Á mới thoát khỏi cấm vận?

Nhà báo Lưu Tường Quang: Ai cũng biết rằng tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện chỉ là những bước đầu tiên và sẽ còn nhiều khó khăn trong những năm tới. Tuy vậy Washington và Canberra đều nghĩ rằng tiến trình này sẽ không bị đảo ngược. Úc Đại Lợi là quốc gia phát triển bậc trung nhưng đã viện trợ rất nhiều cho Miến Điện, chỉ đứng sau Anh Quốc.Mục đích của Canberra là giúp tiến trình dân chủ được đẩy mạnh, không đảo lộn và sẽ đem lại lợi nhuận chung cho toàn Đông Nam Á ,đem lại lợi ích kinh tế cho Úc cũng như về hợp tác quốc phòng và an ninh…

RFI: Miến Điện đã bỏ kiểm duyệt báo chí, đầu tháng Tư này nhật báo tư nhân độc lập sẽ ra mắt. Quốc hội Miến Điện chấp thuận yêu cầu của một dân biểu thân chính phủ sẽ sửa đổi bản Hiến pháp mà đối lập chỉ trích là bất công vì trao cho giới quân nhân 25% ghế. So với Việt Nam thì quan hệ quốc phòng Úc-Miến Điện tiến nhanh hơn trong khi với Hà Nội phải chờ đến 27 năm như anh trình bày. Vậy thì giữa hai quốc gia lớn tại Đông Nam Á này mà hồ sơ nhân quyền được quốc tế chú ý nhất, có những điểm dị đồng nào có thể so sánh không thưa anh ?

Nhà báo Lưu Tường Quang: Năm 2013 đánh dấu 40 năm bang giao Canberra-Hà Nội. Úc đã mời Chủ tịch Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh sang thăm.
Nếu ông Trương Tấn Sang qua Canberra và thấy sự hợp tác chặt chẽ, tiến triển mau chóng giữa Úc và Miến Điện thì tôi cho rằng Hà Nội có thể học được cái việc cải tiến tự do dân chủ và nhân quyền sẽ đem lại rất nhiều lợi nhuận về kinh tế, thương mại, quốc phòng và đầu tư. Tuy nhiên, Miến Điện đã nghĩ đến chuyện cải tổ Hiến pháp. Miến Điện đã thay đổi Luật lao động năm 2012. Tháng 4/2013 này sẽ tư nhân hóa báo chí, điều mà Hà Nội chưa làm được.
Nhân dịp Hà Nội đang tham khảo ý kiến về thay đổi Hiến pháp 1992 thì tôi nghĩ Hà Nội có thể rút ra bài học Miến Điện là đi từng bước một về ba phương diện. Về bang giao quốc tế, Hà Nội có thể cải thiện nhân quyền, dân chủ để nâng cao quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ và thắt chặt thêm bang giao với Úc. Về phương diện sẽ trở thành một quốc gia dân chủ, đa đảng, đa nguyên thì vấn đề bỏ điều 4 Hiến pháp tất nhiên phải được đặt ra, vì đây là tiến trình hiến định.
Còn về nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do tôn giáo thì tấ cả các quyền tự do dân sự này đã được ghi trong chương 5 của Hiến pháp 1992 từ điều 49 đến điều 82. Hà Nội có thể thực hiện ngay các điều khoản này của chương 5 và bãi bỏ các điều 79,87 và 88 trong bộ Hình luật là những điều khoản mà Hà Nội sử dụng để bóp nghẹt tự do ngôn luận và báo chí tại Việt Nam.
Thực ra mà nói, Hà Nội nếu có thực tâm thì chỉ cần áp dụng một cách đúng đắn Hiến pháp 1992.
Để kết luận, ông Thein Sein đã chứng tỏ ông là một chính trị gia trưởng thành khi ông biết cám ơn Úc Đại Lợi về những quan ngại và chỉ trích Miến Điện trong thời gian quân nhân cầm quyền. Đây là bài học có thể áp dụng cho nhiều nước khác. Chẳng hạn như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mỗi khi bị chỉ trích về nhân quyền là phản ứng lại cho rằng nước ngoài « can thiệp vào nội bộ » Việt Nam. Trên thực tế, sở dĩ nước ngoài lấy làm quan ngại về dân chủ và nhân quyền là tại vì cộng đồng thế giới muốn thấy Việt Nam hay Miến Điện một tương lai tốt đẹp vì dân chủ, nhân quyền, đem lại phúc lợi cho dân Việt Nam và Miến Điện.

No comments: